Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 29/1 trên thế giới: Rủi ro biến thể mới lan khắp EU rất cao; WHO cảnh báo chưa nới phong tỏa

29/01/2021 08:42 AM


Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 536.000 ca bệnh COVID-19 và trên 15.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 101,9 triệu ca, trong đó trên 2,19 triệu ca tử vong.

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 536.000 ca bệnh COVID-19 và trên 15.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 101,9 triệu ca, trong đó trên 2,19 triệu ca tử vong.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại Jalisco, Mexico ngày 2/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 122.000 ca), Brazil (58.202 ca) và Tây Ban Nha (34.899 ca). 

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.917 ca), Mexico (1.623 ca) và Brazil (1.310 ca). 

Theo thống kê, số ca tử vong theo ngày trên toàn thế giới đã tăng đáng lo ngại trong những tháng qua. Cho tới cuối tháng 11/2020, thế giới chạm mốc 10.000 ca tử vong/ngày. Số ca tử vong trung bình hằng ngày của thế giới tiếp tục tăng lên 11.000 ca/ngày vào giữa tháng 12, tăng tiếp lên 12.000/ ngày vào thời điểm 8/1 và chỉ 3 ngày sau đó tăng tiếp lên 13.000/ngày. Đến ngày 26/1, con số này đã tăng lên tới 18.000 ca/ngày.             

Chỉ tại 5 quốc gia, số ca tử vong trong tuần qua được ghi nhận đã lên tới hơn 101.000. Đứng đầu danh sách này là Mỹ, với 23.675 ca, nâng tổng số người chết của nước này lên 425.227 người. Bốn nước còn lại là Mexico, Anh, Brazil và Đức.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 vào một bệnh viện ở bang Manaus, Brazil ngày 14/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuần qua, thế giới đã ghi nhận thêm 4,1 triệu ca nhiễm mới và khoảng 96.000 ca tử vong. Tính tổng thể, số ca nhiễm mới trên toàn cầu đã giảm 15% so với tuần trước và là tuần thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới giảm sau khi ghi nhận mức đỉnh điểm trong tuần đầu tiên của tháng 1/2021. Châu Âu là khu vực ghi nhận số ca nhiễm mới giảm nhiều nhất, với 20%, tiếp theo là châu Phi giảm 16% và châu Mỹ giảm 14%. Tuy vậy, cho đến nay, châu Phi và châu Âu vẫn là những khu vực ảnh hưởng đại dịch nặng nề nhất khi chiếm tới 86% tổng số ca mắc trên toàn cầu.

Những con số trên cho thấy đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lan nhanh sang nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Trong báo cáo mới nhất về tình hình dịch tễ công bố ngày 27/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã lan sang hàng chục nước trên thế giới. Hiện biến thể đầu tiên phát hiện tại Anh đã có mặt tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, biến thể phát hiện tại Nam Phi hiện đã ghi nhận tại 31 nước và biến thể mới nhất phát hiện tại Brazil cũng đã xuất hiện tại 8 nước.

Châu Âu: Nguy cơ biến thể mới lây ra cộng đồng EU rất cao

Người dân thực hiện giãn cách xã hội tại một cửa hàng sách ở Frankfurt, Đức nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 20/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã nâng mức độ nghiêm trọng do nguy cơ lây lan cộng đồng của các biến thể mới ở EU lên mức rất cao. EU tăng cường các quy định nghiêm ngặt về đi lại trong khối nhằm kiểm soát dịch bệnh

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các nước thành viên EU tiếp tục đề ra các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới của virus SARS-Cov-2, đặc biệt là quy định về hạn chế du lịch và đi lại giữa các quốc gia trong khối. 

Đức và Hà Lan đang duy trì lệnh phong tỏa, trong khi nước Bỉ phong tỏa một phần và cấm người dân đi du lịch nước ngoài với lý do không thiết yếu. Nhiều nước châu Âu cũng đề ra quy định về xét nghiệm sàng lọc COVID-19 và thực hiện cách ly đối với những người đi về từ vùng dịch cũng như đối với những người nước ngoài nhập cảnh vào nước họ. 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 27/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Pháp quy định kể từ ngày 25/1, các du khách từ khu vực Schengen muốn vào Pháp phải mang theo kết quả xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 âm tính được thực hiện trong khoảng thời gian dưới 72 giờ. Cùng ngày, Thụy Điển cũng đã ra lệnh cấm trong 3 tuần đối với việc đi lại từ Na Uy sau khi xuất hiện một ổ dịch do biến thể của virus từ Anh gần thành phố Oslo. Thụy Điển cũng đề ra biện pháp tương tự đối với Anh và Đan Mạch.

Nhằm tránh tình huống xấu hơn có thể xảy ra cũng như tránh việc đóng cửa đường biên giới nội khối, Ủy ban châu Âu đã khuyến nghị các nước thành viên thiết lập các biện pháp mới trong việc kiểm soát đi lại tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng của đại dịch.   

Ngày 28/1, Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge nhận định tốc độ lây lan của COVID-19 tại châu Âu vẫn ở mức cao, gây áp lực cho dịch vụ y tế, do đó vẫn còn quá sớm nới lỏng lệnh phong tỏa tại khu vực này.

Phát biểu tại họp báo trực tuyến, ông Kluge nhận định châu Âu cần kiên nhẫn bởi công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19 cần có thời gian. Ông nhấn mạnh các nước đã nhận thức được rằng việc đóng và mở cửa lại kinh tế quá nhanh là một chiến lược kém hiệu quả trong việc ngăn dịch lây lan. Tỷ lệ lây nhiễm tại châu Âu vẫn đang rất cao, ảnh hưởng đến hệ thống y tế và khiến các dịch vụ quá tải, do đó theo ông Kluge hiện còn quá sớm để nới lỏng lệnh phong tỏa. Ông nhận định việc giảm tỷ lệ lây nhiễm đòi hỏi các nỗ lực kiên trì, đồng thời cảnh báo rằng mới chỉ có hơn 3% dân số trong khu vực được xác nhận mắc COVID-19 và những khu vực từng chịu ảnh hưởng nặng có thể bị bùng dịch lần nữa. 

Cảnh vắng vẻ ở London, Anh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 27/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Anh, quốc gia phát hiện ra biến thể đầu tiên của virus SARS-CoV-2, giới chức xứ England cho biết số ca nhiễm mới đã bắt đầu giảm, cho thấy hiệu quả của đợt phong tỏa mới. Tuy nhiên, tốc độ giảm hiện nay chưa đủ để giảm tỷ lệ lây nhiễm vẫn được coi là rất cao so với các nước và khu vực khác. Ngày 27/1, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa tại England tới ít nhất là ngày 8/3, một quyết định dập tắt hy vọng về khả năng các trường học có thể mở cửa trở lại hoàn toàn vào tháng 2 tới.

Theo kết quả nghiên cứu thực hiện từ ngày 6 - 22/1, tỷ lệ lây nhiễm trên toàn nước Anh được ghi nhận là 1,57%, hay 157/10.000 người, trong đó thủ đô London có tỷ lệ nhiễm cao nhất, với 2,83% (tương đươg 283/10.000 dân). Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cảnh báo những số liệu này là "lời nhắc nhở về sự cần thiết phải cảnh giác ".

Cho đến nay, Vương quốc Anh đã ghi nhận tổng cộng 101.887 ca tử vong, trong tổng số 3.715.054 ca nhiễm, đứng thứ năm thế giới về số ca nhiễm và đứng đầu châu Âu về số ca tử vong.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Paris, Pháp, ngày 7/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, tại Pháp, số ca nhiễm mới theo ngày tăng trở lại khi ghi nhận tới gần 27.000 ca trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất trong một ngày kể từ giữa tháng 11/2020, thời điểm Pháp đang áp đặt đợt phong tỏa thứ hai. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, với 26.916 ca nhiễm mới, tăng gần 5.000 ca so với một ngày trước đó, tổng số ca mắc COVID-19 tại Pháp hiện đã lên tới hơn 3,1 triệu ca. 

Đây là lần thứ ba kể từ cuối tháng 12 năm ngoái, Pháp ghi nhận hơn 26.000 ca/ngày và là mức cao nhất kể từ thời điểm ghi nhận 28.000 ca trong ngày 18/11/2020. Trước đó, vào giai đoạn đỉnh điểm của đợt bùng phát dịch thứ hai, Pháp đã ghi nhận con số kỷ lục 86.852 ca mắc mới trong ngày 7/11/2020./. Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19: Bộ trưởng Y tế Pháp khẳng định giới nghiêm không đủ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lan truyền rộng hơn sau mỗi tuần và việc siết chặt giới nghiêm áp dụng cách đây một tháng không thể đủ để ngăn chặn sự lây lan này.

Tại Hungary, Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary, ông Gergely Gulyas ngày 28/1 cho biết chính phủ nước này đã quyết định gia hạn đến ngày 1/3 tới lệnh phong tỏa một phần hiện nay nhằm ngăn chặn COVID-19. 

Các biện pháp phong tỏa hiện nay tại Hungary có hiệu lực từ đầu tháng 11/2020 và sẽ hết hạn vào ngày 1/2 tới, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm và đóng cửa các cửa hàng cũng như nhà hàng. Theo ông Gulyas, chính phủ cũng sẽ đề nghị Quốc hội gia hạn 90 ngày quyền có thể ra quyết định khẩn cấp của chính phủ. Ông cho rằng chỉ có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế khi số ca bệnh giảm mạnh hoặc nhiều người được chủng ngừa.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Porto, Bồ Đào Nha ngày 22/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho rằng nước này đang trong giai đoạn "khủng khiếp", chứ không chỉ là "tồi tệ", của đại dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo rằng tình trạng này có thể kéo dài vài tuần trước khi có thể được cải thiện. Ông Costa cho rằng tình hình dịch bệnh tại nước này trở nên xấu đi một phần là do chính phủ đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế trong dịp Giáng sinh và Năm mới vừa qua, và do khả năng lây lan mạnh của biến thể mới phát hiện tại Anh. 

Bộ Nội vụ Đức ngày 28/1 cho biết nước này đang cân nhắc khả năng áp đặt hạn chế đối với những người đến từ Anh, Brazil và Nam Phi do lo ngại sự lây lan các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở những quốc gia này. Quy định mới này đang được Chính phủ Đức thảo luận. 

Châu Á

Ấn Độ tuyên bố khống chế được sự lây lan của dịch bệnh

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 16/1/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Giới chức Ấn Độ ngày 28/1 khẳng định đã khống chế được làn sóng gia tăng các ca nhiễm COVID-19, với 1/5 số quận, huyện ở nước này thông báo không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong vòng 1 tuần qua.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan khẳng định: "Ấn Độ đã khống chế thành công đại dịch". Ông cho biết trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 11.666 ca nhiễm mới và 123 trường hợp tử vong. Có 146 trong tổng số 718 quận, huyện không ghi nhận ca nhiễm mới trong vòng 1 tuần và 18 quận, huyện không ghi nhận ca nhiễm mới trong 2 tuần. Trước đó, trong giai đoạn đỉnh dịch vào tháng 9/2020, mỗi ngày, quốc gia gồm khoảng 1,3 tỷ dân này có khoảng 100.000 ca nhiễm mới và hơn 1.000 trường hợp không qua khỏi.

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới giảm, chính phủ nước này thông báo từ ngày 1/2 tới, sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng các hồ bơi công cộng, cho phép các rạp chiếu phim và rạp hát hoạt động hơn 50% công suất.

Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Ajay Kumar Bhalla cũng cho rằng số ca nhiễm tại nước này đã giảm trong 5 tháng qua. Tuy nhiên, ông cảnh báo người dân vẫn cần duy trì cảnh giác.

Ngày 16/1 vừa qua, Ấn Độ đã bắt đầu chương trình tiêm phòng COVID-19 cho người dân, với mục tiêu tiêm phòng cho 300 triệu người trước tháng 7 và 8 tới.

Hàn Quốc xét nghiệm miễn phí cho người cư trú bất hợp pháp

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng trong ngày 28/1, Bộ Tư pháp Hàn Quốc thông báo tất cả người nước ngoài cư trú bất hợp pháp ở nước này đều được phép làm xét nghiệm COVID-19 miễn phí mà không cần tiết lộ danh tính.

Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết những người nước ngoài không có giấy tờ, bao gồm cả những người ở quá hạn thị thực, có thể ẩn danh khi làm xét nghiệm COVID-19 miễn phí tại bất kỳ trung tâm xét nghiệm tạm thời nào do chính quyền địa phương điều hành trên toàn quốc và chỉ phải cung cấp số điện thoại di động của mình.

Bộ Tư pháp Hàn Quốc khẳng định tất cả công dân nước ngoài sẽ không phải xuất trình thị thực trước khi xét nghiệm và danh tính của họ sẽ không được cung cấp cho cơ quan xuất nhập cảnh trước và sau khi xét nghiệm, đồng thời việc bắt giữ những người lưu trú bất hợp pháp cũng sẽ tạm thời bị đình chỉ. Đây là biện pháp mới nhất nhằm giảm thiểu những lỗ hổng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại Hàn Quốc

Số người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ước tính đã tăng lên khoảng 400.000 người, chủ yếu do biện pháp hạn chế đi lại liên quan đến dịch COVID-19.

Trung Quốc tăng cường phòng chống dịch dịp Tết Nguyên đán

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Trung Quốc đại lục. Theo báo cáo mới nhất ngày 28/1, Trung Quốc ghi nhận thêm 54 ca nhiễm mới, trong đó có tới 41 ca lây nhiễm trong cộng đồng. 

Trong bối cảnh đó, giới chức y tế thủ đô Bắc Kinh đã khuyến nghị người dân ở nhà trong dịp Tết Nguyên đán, tránh đi du lịch và mọi hoạt động tập trung đông người không cần thiết do lo ngại nguy cơ dịch bệnh bùng phát cao dịp này - thời điểm được ví là "cuộc đại di cư lớn nhất thế giới" tại Trung Quốc khi người dân từ khắp nơi về nhà sum họp gia đình sau 1 năm làm việc vất vả. Cuộc "đại di cư" năm nay diễn ra từ 28/1-8/3.

Ngoài ra, giới chức Bắc Kinh khuyến nghị người dân chỉ mở các bưu kiện hoặc hàng hóa chuyển phát nội địa hoặc từ các nước, khu vực có nguy cơ lây nhiễm trung bình hoặc cao, sau khi đã khử trùng bên ngoài, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ đây. 

Ngay trong chiều 28/1 sau khi khuyến nghị trên được công bố, công ty theo dõi chuyến bay VariFlight cho biết hàng trăm chuyến bay đến và đi từ Bắc Kinh đã bị hủy do nhiều người hủy chuyến. Dịch vụ tàu hỏa cũng rơi vào tình trạng tương tự. 

Trung Quốc đã thực hiện xét nghiệm đại trà tại một số khu vực nằm sát thủ đô Bắc Kinh sau khi xuất hiện một ổ dịch nhỏ tại đây. Việc Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng dịch do lo ngại nguy cơ lây nhiễm từ biến thể của virus SARS-CoV-2. 

New Zealand siết chặt cách ly

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Auckland, New Zealand, ngày 12/8/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong khi đó, New Zealand  sẽ siết chặt quy định cách ly sau khi Auskland - thành phố lớn nhất của nước này phát hiện 2 ca nhiễm biến thể của SARS-CoV-2 lần đầu xuất hiện Nam Phi. Toàn bộ những người tiếp xúc với 2 ca nhiễm mới trên đều đã cách ly. 

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern bày tỏ tin tưởng các biện pháp hiện hành ở nước này sẽ khống chế dịch bệnh lây lan. Bà chỉ thị các cơ quan y tế của nước này cập nhật thông tin dịch bệnh cho Australia để quốc gia láng giềng này có quyết sách liên quan đến người nhập cảnh từ New Zealand. Trước đó, Australia đã đình chỉ hoạt động "du lịch bong bóng" 1 chiều xuyên biển Tasman trong 72 giờ sau khi New Zealand phát hiện ca lây nhiễm đầu tiên trong nhiều tháng vào hôm 25/1.

Châu Mỹ: Mỹ lần đầu phát hiện biến thể Nam Phi ở bang South Carolina

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Montebello, California, Mỹ, ngày 22/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 28/1, các quan chức bang South Carolina xác nhận tại bang này đã xuất hiện 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-COV-2 được phát hiện ở Nam Phi.

Thông báo từ Sở Y tế và Kiểm soát Môi trường bang South Carolina nêu rõ cả 2 trường hợp này đều là người trưởng thành, không đi du lịch và không có mối liên hệ nào với nhau. Cả hai cũng đã được cho làm xét nghiệm PCR hồi đầu tháng và bệnh tình đang tiến triển tốt.

Theo Tiến sĩ Brannon Traxler, Giám đốc y tế công của Sở y tế bang South Carolina, hiện chưa rõ mức độ lây lan của biến thể mới ở bang này, song sự xuất hiện của hai ca mắc đầu tiên là “lời nhắc nhở cho thấy cuộc chiến chống virus chết người còn lâu mới kết thúc".

Châu Phi

WHO cảnh báo biến thể mới có thể khiến làn sóng dịch thứ 2 tại châu Phi kéo dài

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Rabat, Maroc, ngày 8/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 28/1, WHO cảnh báo biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hiện đang lây lan tại châu Phi có thể khiến làn sóng dịch thứ 2 tại đây kéo dài, do đó sẽ làm tê liệt hệ thống y tế vốn đã mong manh tại châu lục 1,3 tỷ dân này.

Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết với khả năng lây lan nhanh hơn cùng độc lực cao hơn virus gốc, biến thể mới sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc ứng phó và đẩy lùi làn sóng dịch thứ hai hiện vẫn đang hoành hành tại châu Phi.

Bà Moeti nêu rõ biến thể 501 Y.V2 được phát hiện ở Nam Phi hồi cuối năm ngoái đã lây lan với tốc độ rất nhanh tới nhiều quốc gia châu Phi và được cho là nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới và tử vong tăng cao trong thời gian qua. Theo số liệu mới nhất, biến thể 501 Y.V2 hiện đã được phát hiện tại ít nhất 4 quốc gia trong khu vực bao gồm Botswana, Ghana, Kenya và Zambia.

Bên cạnh đó, bà Moeti cho biết biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh cũng đã được tìm thấy ở Gambia và Nigeria, hai quốc gia vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 trong năm vừa qua.

Trong thông báo, nữ chuyên gia y tế người Botswana nhấn mạnh những nỗ lực đẩy lùi làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 của châu Phi sẽ không có hiệu quả, trừ phi các quốc gia tại châu lục đồng lòng đẩy mạnh tiến hành công tác xét nghiệm và cách ly những ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, cũng như tăng cường các biện pháp phòng dịch từ cấp cơ sở.

Nhiều nước châu Phi bắt đầu tiêm vaccine

Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại Pretoria, Nam Phi ngày 15/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Giám đốc Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh thuộc Liên minh châu Phi (AU), ông John Nkengasong cho biết một số quốc gia châu Phi đã bắt đầu tiêm vaccine COVID-19.

Phát biểu tại họp báo trực tuyến ngày 28/1, ông Nkengasong cho biết các nước Maroc, Ai Cập, quần đảo Seychelles và Guinea đã bắt đầu tiêm vaccine của Trung Quốc. Bên cạnh 270 triệu liều vaccine đã được đảm bảo trước đó, AU đã ký thỏa thuận với Viện Serum của Ấn Độ cung cấp 400 triệu liều vaccine do hãng AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford bào chế.

Ông Nkengasong cảnh báo COVID-19 sẽ "tiếp tục lan rộng trong năm nay và năm tới". Cơ quan trên hy vọng sẽ tiêm vaccine cho khoảng 30-35% người dân châu Phi trong năm nay. Ông cũng cho biết đang liên hệ với Trung Quốc, Nga và Cuba để có thêm vaccine và sẽ phối hợp với bất cứ đối tác nào có thể sản xuất vaccine an toàn và hiệu quả.

Dù dịch không tác động mạnh đến châu Phi như các khu vực khác, nhưng giới chuyên gia lo ngại sự chênh lệch giàu nghèo, những khó khăn về logistic và "chủ nghĩa dân tộc vaccine" mà các nước phát triển đang theo đuổi có thể khiến châu lục nghèo nhất thế giới này bị thiệt thòi. Với tổng số dân là 1,3 tỷ người, châu Phi đã ghi nhận 3,5 triệu ca nhiễm và 88.000 ca tử vong. Số ca tử vong ở cả châu lục này ít hơn nhiều so với tại Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Mexico và Anh.

Theo TTXVN