• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Lê Thị Thanh
Ngày gửi:
19/01/2021
Lĩnh vực:
Câu hỏi khác
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Chào các anh chị! Tôi có câu hỏi muốn nhờ các anh chị giải đáp. Tôi đã làm việc và đóng bảo hiểm bắt buộc được 14 năm. Hiện nay kinh tế khó khăn công ty tôi ngừng hoạt động nên không còn đóng bảo hiểm cho nhân viên. Do vậy tôi muốn chuyển về đóng bảo hiểm tự nguyện + bảo hiểm y tế nối tiếp tại địa phương có được không. Nếu được thì mức đóng thế nào mong các anh chị tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời bởi:
Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời
Ngày trả lời:
29/01/2021
File đính kèm:
Câu trả lời:

  1. Đối với BHXH tự nguyện

Theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.

Mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn (khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014). Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 thì từ ngày 01/01/2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ; theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg thì mức chuẩn nghèo tại khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Hiện nay có tất cả 06 phương thức tham gia mà người tham gia có thể lựa chọn:

1 - Đóng hàng tháng;

2 - Đóng 03 tháng một lần;

3 - Đóng 06 tháng một lần;

4 - Đóng 12 tháng một lần;

5 - Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần;

6 - Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm.

Thủ tục hồ sơ đóng BHXH tự nguyện:

Bước 1: Căn cứ theo Điểm d tiết 1.1 khoản 1 Điều 3 Quyết định 595/QĐ-BHXH, người tham gia có thể tham gia BHXH tự nguyện tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú, các đại lý thu BHXH, UBND xã phường (nơi tạm trú hoặc thường trú).

Bước 2: Người tham gia cung cấp thông tin và hoàn thiện tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

  1. Đối với BHYT Hộ gia đình

Để tham gia BHYT Hộ gia đình cần toàn bộ số người có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình tại thời điểm đăng ký tham gia BHYT phải cùng tham gia, bao gồm cả những người nhập khẩu nhờ theo Luật hộ tịch, hộ khẩu nhưng không tính những người sau đây vào tổng số thành viên trong hộ:

- Người mặc dù có tên trong hộ khẩu nhưng đã có giấy tạm vắng do UBND xã phường cung cấp.

- Người đã chết (phải đã giảm khẩu).

- Người đã tách khẩu. 

Những người được tính là đã tham gia BHYT: Người đã được cấp thẻ BHYT thuộc các đối tượng khác nhau. Số người còn lại chưa có thẻ BHYT là đối tượng phải tham gia theo hộ gia đình.

Tại Điểm e, khoản 1, điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế, mức đóng BHYT hộ gia đình được quy định như sau: “Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Việc giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm này được thực hiện khi các thành viên tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính”.