• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Bạn đọc
Ngày gửi:
03/09/2020
Lĩnh vực:
Câu hỏi thường gặp
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Nguyên trước đây, từ tháng 3/1980, tôi được Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng phân công công tác tại UBND huyện Giằng (nay là huyện Nam Giang – Quảng Nam) và được bố trí làm việc tại Ban Nông nghiệp huyện. Đến 12/1990 được sự tiếp nhận của Công ty Xây lắp và Dịch vụ sản xuất tỉnh Đoàn Quảng Nam-Đà Nẵng (sau năm 1997 trực thuộc thành Đoàn Đà Nẵng), tôi chuyển công tác về Công ty và được phân công kỹ thuật trực tiếp thi công các công trình trên địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng. Trong quá trình công tác, các khoản lương và chi phí công tác cơ quan đều giao trực tiếp đội thi công chi trả, chỉ liên hệ cơ quan về công tác chuyên môn. Sau một thời gian làm việc, do hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp khó khăn, tôi xin cơ quan được nghỉ không lương để tìm công việc cải thiện điều kiện kinh tế bản thân và gia đình. Đến tháng 12/2000 tôi về nhận công tác tại Công ty Xây dựng và Thương mại Đà Nẵng. Từ năm 2000 đến nay tôi đã tham gia BHXH đầy đủ. Do thời gian từ 1990 đến 11/2000 tôi nghỉ không lương để làm việc cho cơ quan bên ngoài nên thời gian này xem như gián đoạn công tác (mặc dù có xác nhận của các giám đốc cơ quan qua các thời kỳ). Nay được biết Chính phủ vừa ban hành Nghị định 89/2000/NĐ-CP và bắt đầu có hiệu lực, tôi kính mong được quý cơ quan giải đáp về thời gian công tác của tôi từ 3/1980 đến 12/1990 với các giấy tờ liên quan còn lưu giữ đầy đủ thì có được cộng vào thời gian công tác để tính mức lương hưu trí sau này hay không? Trân trọng cảm ơn.

Trả lời bởi:
Ngày trả lời:
08/09/2020
File đính kèm:
Câu trả lời:

Theo quy định tại Điểm 1.1 Khoản 1 Phụ lục 01 ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT Việt Nam thì để cấp và ghi xác nhận thời gian đóng BHXH cho người lao động có thời gian công tác trước năm 1995 (không bao gồm người bị kỷ luật buộc thôi việc hoặc tự ý bỏ việc, bị phạt tù giam trước ngày 01/01/1995), hồ sơ bao gồm:

a) Lý lịch gốc và lý lịch bổ sung (nếu có) của người lao động, quyết định tiếp nhận, hợp đồng lao động, các giấy tờ có liên quan khác như: quyết định nâng bậc lương, quyết định điều động hoặc quyết định chuyển công tác, quyết định phục viên xuất ngũ, chuyển ngành, giấy thôi trả lương….;

b) Đối với người nghỉ chờ việc từ tháng 11/1987 đến trước ngày 01/01/1995: hồ sơ như điểm a, thêm Quyết định nghỉ chờ việc và Danh sách của đơn vị hoặc các giấy tờ xác định người lao động có tên trong danh sách của đơn vị đến ngày 31/12/1994.

- Trường hợp không có quyết định nghỉ chờ việc thì phải có xác nhận bằng văn bản của thủ trưởng đơn vị tại thời điểm lập hồ sơ đề nghị cấp sổ BHXH, trong đó đảm bảo người lao động có tên trong danh sách của đơn vị tại thời điểm có quyết định nghỉ chờ việc và chưa hưởng các khoản trợ cấp một lần.

- Trường hợp đơn vị đã giải thể thì do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xác nhận.

Đề nghị Bạn cung cấp đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ nêu trên cho cơ quan BHXH để được xem xét, giải quyết.

  • CÂU HỎI LIÊN QUAN