• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Khuất Thị Huyền
Ngày gửi:
05/01/2024
Lĩnh vực:
Ốm đau, thai sản
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Dạ chào BHXH, em là Khuất Thị Huyền, mã số BHXH 0130983909, ngày 10.11.2023 em có mổ chửa ngoài tử cung tại bệnh viện quân y 105, trên giấy ra viện có thể hiện rõ số ngày được nghỉ công tác để hồi phục sức khỏe. Khi em gửi hồ sơ để làm chế độ lên cơ quan BHXH thì bên BH đã từ chối hồ sơ của em, yêu cầu bổ sung số tuần tuổi thai trên giấy ra viện. Nhưng bên viện thì báo, chửa ngoài tử cung ( đã vỡ) thì không xác định tuần tuổi thai. Vậy em phải làm sao để được hưởng chế độ trong trường hợp này ạ

Trả lời bởi:
Ngày trả lời:
12/01/2024
File đính kèm:
Câu trả lời:

Theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/010/2019 của BHXH Việt Nam hướng dẫn về thủ tục hồ sơ đối với chế độ thai sản của người đang đóng BHXH:

Hồ sơ theo quy định tại Điều 101 Luật BHXH; khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 5 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP; Điều 15, 18, 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT; Điều 7 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP và khoản 2 Điều 15 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, gồm Danh sách 01B-HSB do đơn vị SDLĐ lập và hồ sơ nêu dưới đây:

Đối với lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; người lao động thực hiện biện pháp tránh thai:

a) Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện của người lao động; trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện.

b) Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Theo đó, Thông tư 18/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế ban hành về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 có sửa đổi Phụ lục 3 Mẫu Giấy ra viện nôi dụng như sau:

Tại Phần chẩn đoán:

- Phải mô tả cụ thể về tình trạng sức khỏe hoặc ghi tên bệnh. Trường hợp mắc bệnh cần chữa trị dài ngày thì ghi mã bệnh; trường hợp chưa có mà bệnh thì ghi đầy đủ tên bệnh. Việc ghi mã bệnh và tên bệnh thực hiện theo quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh dài ngày;

- Trường hợp đình chỉ thai nghén: Ghi rõ nguyên nhân đình chỉ thai nghén (Ví dụ: Thai chết lưu, thai bệnh lý…)

- Trường hợp điều trị dưỡng thai: Ghi rõ cụm từ “dưỡng thai”.

Tại Phần phương pháp điều trị: Ghi chỉ định điều trị (Trường hợp phải đình chỉ thai nghén):

- Dưới 22 tuần tuổi thì căn cứ tình trạng thực tế để ghi phương pháp điều trị theo một trong các trường hợp sau: Sảy thai, nạo thai, hút thai, mổ lấy thai, trừ trường hợp giảm thiểu thai trong quá trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm;

- Từ 22 tuần tuổi trở lên ghi rõ là đẻ thường, đẻ thủ thuật hay mổ đẻ.

- Ghi rõ tuần tuổi thai: (kể cả trường hợp đình chỉ thai ngoài tử cung, thai trứng cần xác định rõ tuần tuổi thai).

Việc xác định tuần tuổi của thai dựa vào ngày có kinh cuối cùng hoặc kết quả siêu âm trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

- Ghi rõ thời gian đình chỉ thai nghén: Vào … giờ … phút… ngày ….tháng…năm….

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp thông tin chính sách hiện hành để bạn được biết, đối chiếu với trường hợp bản thân và thực hiện theo đúng quy định