• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Nguyễn Văn Phúc
Ngày gửi:
10/03/2023
Lĩnh vực:
Sổ BHXH - Thẻ BHYT
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

Kính gửi cơ quan BHXH Việt Nam. Tôi tên là Nguyễn Văn Phúc hiện tại tôi đang sinh sống và làm việc tại bình dương. Tôi mới nghỉ việc và muốn làm bảo hiểm thất nghiệp . Nhưng khi lên bảo hiểm tại bến cát tra cứu tôi có tới 4 cuốn sổ bảo hiểm. 2 cuốn nằm trên bảo hiểm xã hội quận 11 một cuốn đã rút tiền bảo hiểm vào năm 2021 và một cuốn đang vẫn đang đóng tiếp. Hai cuốn còn lại tôi đang giữ . Trong khi đó tôi chưa bao giờ làm việc và đăng kí bảo hiểm ở trên quận 11 . Khi tôi lên bảo hiểm quận 11 trình bày tình trạng như vậy thì họ bắt tôi nhận là đã rút tiền bảo hiểm rồi thì họ mới xử lý tiếp hồ sơ của tôi. Tôi không hề biết ai đóng và rút tiền bảo hiểm đó hết . Và từ đó giờ cũng không cho bất kì ai mượn sổ hay chứng minh nhân dân cả.Tôi không nhận thì họ không giải quyết cho tôi. Bây giờ tôi phải sao để làm bảo hiểm thất nghiệp ạ .Mong cơ quan bảo hiểm hướng dẫn cho tôi.Tôi muốn hỏi thêm là rút bảo hiểm xã hội một lần cần giấy chứng minh mới rút bảo hiểm được tại sao người đó lại có giấy tờ của tôi rút hết tiền bảo hiểm . Trong khi giấy tờ tôi giữ đầy đủ và không hề mất. Hay họ làm giấy tờ giả mà bảo hiểm vẫn cho rút tiền.

Trả lời bởi:
Ngày trả lời:
17/03/2023
File đính kèm:
Câu trả lời:

1. Gộp sổ BHXH

Theo Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/06/2020 của BHXH Việt Nam hướng dẫn các trường hợp gộp sổ BHXH như sau: 

Một người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới

“Điều 27. Cấp lại, đổi, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH, thẻ BHYT

1. Cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng, gộp sổ BHXH

1.1. Thành phần hồ sơ:

a) Cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

b) Gộp sổ BHXH:

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

- Các sổ BHXH đề nghị gộp (nếu có);

1.2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ”.

* Về nộp hồ sơ tại Tiết c, Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 31  văn bản hợp nhất 2089/VBHN-BHXH nêu trên quy định: 

“c) Các trường hợp cấp lại, gộp sổ, điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT; cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH: kê khai hồ sơ theo hướng dẫn tại Điều 27 và nộp hồ sơ như sau:

- Người đang làm việc nộp cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH.

- Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc đã được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đề nghị cấp lại, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH: nộp cho cơ quan BHXH trên toàn quốc”.

2. Trợ cấp thất nghiệp

* Về điều kiện hưởng TCTN

Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm và văn bản hướng dẫn thì người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: (a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; (b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; e) Chết.

* Về Hồ sơ đề nghị hưởng TCTN:

 Theo quy định tại Điều 16 nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 61/2020/NĐ-CP thì hồ sơ hưởng TCTN bao gồm:

1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: (a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; (b) Quyết định thôi việc; (c) Quyết định sa thải; (d) Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; (đ) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; (e) Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động; (g) Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã; (h) Trường hợp người lao động không có các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật và người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động là văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền; (i) Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của hợp đồng đó.

3. Sổ BHXH

* Về nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Cách 1: Nộp trực tiếp

Cách 2: Nộp qua đường bưu điện

Cách 3: Nộp qua Cổng dịch vụ công Quốc gia

Người lao động đăng ký tài khoản, đăng nhập trên cổng Dịch vụ công Quốc gia và thực hiện:

- Tìm kiếm và chọn nộp dịch vụ công: Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp

- Nhập thông tin đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 01

- Đính kèm hồ sơ:

+ Bản chụp hoặc bản scan giấy tờ chứng minh chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định.

Chọn gửi Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ.

Do bạn không cung cấp đầy đủ thông tin: mã số BHXH, số CCCD/CMND, họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại liên hệ,… nên chúng tôi không có cơ sở tra cứu hệ thống dữ liệu để trả lời cụ thể. Nếu có thắc mắc về BHXH bạn liên hệ đến cơ quan BHXH địa phương, nếu có thắc mắc về BHTN bạn liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để được hỗ trợ.