14/09/2022
Tại Kỳ họp thứ 9, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2022 - 2023.
Sẽ có cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng
Theo đó, HĐND thành phố quyết định, học phí học sinh phải đóng thực tế năm học 2022 - 2023 giữ nguyên như mức học phí phải đóng năm học 2021 - 2022. Theo HĐND thành phố, việc áp dụng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ là việc bắt buộc thực hiện theo lộ trình nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo. Tại thời điểm này, TP Hà Nội quy định mức học phí theo mức sàn (là mức thấp nhất) của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Đặc biệt, sau 2 năm đại dịch đời sống người dân vẫn còn khó khăn, thành phố sẽ dùng ngân sách để bù đắp phần chênh lệch tăng so với năm học trước và tiếp tục hỗ trợ 50% học phí cho cả năm học 2022 - 2023 như mức hỗ trợ năm học 2021 - 2022. Dự kiến tổng mức ngân sách thành phố hỗ trợ năm học 2022 - 2023 hơn 1.133 tỷ đồng.
Ngoài chính sách trên, UBND thành phố sẽ có cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của năm học 2022 - 2023. Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn các xã miền núi sẽ được hỗ trợ 100% mức thu học phí năm học 2022 - 2023.
Giám đốc Sở GD - ĐT Trần Thế Cương đọc tờ trình tại kỳ họp
Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông thuộc đối tượng được giảm 70% học phí theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 81 của Chính phủ và 50% học phí theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 8 đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của thành phố Hà Nội; học viên thuộc đối tượng được giảm 70% học phí theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 81; đối tượng được 50% học phí theo quy định tại Nghị định số 81 đang theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông của thành phố được hỗ trợ bằng 100% phần học phí còn lại phải đóng theo mức thu học phí năm học 2022 - 2023.
Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: trẻ em học mẫu giáo và học sinh là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Các đối tượng được giảm 50% học phí: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ học phí năm học mới này theo Nghị quyết khoảng 9,1 tỷ đồng với hơn 30.500 học sinh. Các chính sách trên thể hiện sự quan tâm của thành phố đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, kịp thời chia sẻ khó khăn đối với người dân trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Hình minh họa (nguồn: Internet)
Thông qua nghị quyết quy định mức hỗ trợ trong lĩnh vực y tế
Cũng tại kỳ họp, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc TP Hà Nội.
Theo đó, các đối tượng áp dụng gồm: (1) Công chức, viên chức, lao động hợp đồng đang làm việc tại thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành, đồng thời đã tham gia đóng BHXH tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, Phòng Y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã.
(2) Viên chức, lao động hợp đồng có chuyên môn y tế đang làm công tác y tế tại thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành, đồng thời đã tham gia đóng BHXH tại Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số II, Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội, các cơ sở bảo trợ xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở LĐTB - XH.
(3) Công chức, viên chức, lao động hợp đồng đã làm việc và đã nghỉ hưu để hưởng chế độ BHXH tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, Phòng Y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.
(4) Viên chức, lao động hợp đồng có chuyên môn y tế đã làm công tác y tế và đã nghỉ hưu để hưởng chế độ BHXH tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số II, Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội, các cơ sở bảo trợ xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở LĐTB&XH trong khoảng thời gian từ ngày 23.1.2020 đến ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.
Về mức hỗ trợ, đối với các bệnh viện; Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, dược phẩm, thực phẩm: Người trực tiếp làm chuyên môn y tế (lâm sàng, cận lâm sàng và dược, chuyên môn, xét nghiệm), mức hỗ trợ: 10 triệu đồng/người; Người không trực tiếp làm chuyên môn y tế (quản lý, hành chính), mức hỗ trợ 7 triệu đồng/người...
Tác giả: PV