In bài viết Đóng lại

"Nếu không có thẻ BHYT chắc chắn tôi đã không thể sống đến ngày hôm nay”

16/12/2020

Đó là lời chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Tuyến, bệnh nhân của Khoa Lọc máu (Bệnh viện Bà Rịa) khi chia sẻ với chúng tôi sự may mắn khi sở hữu tấm thẻ BHYT.

 Tấm thẻ BHYT - Tấm “bùa hộ mệnh”

Mỗi bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện đều mang trong mình một tâm trạng đó là chi phí điều trị bệnh và gánh nặng kinh tế, tuy nhiên với việc tham BHYT, người dân có thể giảm bớt được nỗi lo đó để yên tâm điều trị. Thậm chí, BHYT còn là cứu cánh, mang lại cơ hội sống cho người bệnh đặc biệt là những người có thu nhập thấp khi mắc bệnh hiểm nghèo và chiếc thẻ BHYT chính là “phao cứu sinh” cho bệnh nhân.

Nằm một mình trên giường bệnh tại Khoa Lọc máu (BV Bà Rịa), xung quanh chằng chịt dây truyền lọc máu, ông Nguyễn Trọng Tuyến (47 tuổi, ngụ xã Kim Long, huyện Châu Đức) thoáng vui khi thấy chúng tôi tới hỏi thăm. Với đôi mắt đỏ hoe, ông Tuyến tâm sự: “Tôi bị suy thận giai đoạn cuối, đã chạy thận 7 năm nay. Vợ tôi mất 15 năm nay, con trai duy nhất thì đi làm ăn xa, kinh tế cũng khó khăn”. Dù mang trọng bệnh, ông Tuyến còn phải chăm lo cho bố mẹ già, cuộc sống càng chật vật. Vì vậy, tấm thẻ BHYT như “bùa hộ mệnh”, giúp ông giảm nhiều chi phí khám chữa bệnh.

Hiện tại, mỗi tuần ông Tuyến phải đến bệnh viện lọc máu 3 lần. “Tôi chỉ phải lo tiền đi lại, mua thuốc bổ để tăng cường sức khỏe, tháng hết khoảng 2 triệu đồng. Nếu không có thẻ BHYT, phải gánh thêm khoản tiền điều trị, chắc chắn tôi đã không thể sống đến ngày hôm nay”, ông Tuyến nói.

Bệnh nhân Tuyến điều trị tại Khoa Lọc máu (BV Bà Rịa)

Bác sĩ Nguyễn Bá Hỷ, Trưởng Khoa Lọc máu (BV Bà Rịa) cho biết, ông Tuyến chỉ là một trong nhiều bệnh nhân may mắn khi có BHYT tại Khoa Lọc máu. Hiện Khoa Lọc máu có khoảng 400 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 300 bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo, định kỳ mỗi tuần 3 lần, mỗi lần chi phí là 556 ngàn đồng. Nếu có BHYT, bệnh nhân sẽ được chi trả toàn bộ chi phí này.

Mỗi bệnh nhân một điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa phần đều là người có hoàn cảnh khó khăn. Người còn sức khỏe thì đi từ nhà tới viện lọc máu rồi về; người sức khỏe yếu và khó khăn hơn, quê lại ở xa thì thuê luôn nhà ở gần viện để tiện cho việc điều trị. Vốn dĩ khi bị bệnh thận mạn, sức khỏe của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không chỉ suy thận, người bệnh còn bị suy tim, suy hô hấp, có người lại bị các bệnh về phổi hoặc đái tháo đường…, cơ thể rất mệt mỏi, thể chất xuống cấp, tinh thần chán nản, bi quan, căng thẳng. Đối với các bệnh nhân bị bệnh thận cấp, nhiều người được điều trị kịp thời đã khỏi bệnh, tuy nhiên đối với những trường hợp bị thận mạn thì các bệnh nhân đều xác định phải chung sống với bệnh tật đến cuối đời, chính vì vậy chiếc thẻ BHYT là vật bất ly thân của họ.

Chiếc thẻ BHYT không chỉ là cứu cánh cho tất cả các bệnh nhân không may mắc bệnh mà với bệnh nhân kém may mắn gặp phải hoạn nạn bất ngờ thì đây thực sự là tấm “bùa hộ mệnh”. Chị Ngô Thị Ngọc (43 tuổi, ngụ xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) đang chăm sóc chồng - anh Huỳnh Ngọc Anh (47 tuổi) điều trị bệnh nhồi máu cơ tim tại Khoa Tim mạch (BV Bà Rịa) chia sẻ: “May có BHYT em ạ, nếu không thì chi phí điều trị gia đình không gánh nổi”. Nói rồi, chị chìa tờ giấy bác sĩ liệt kê các khoản được BHYT chi trả, bùi ngùi kể: Chồng chị nhập viện do nhồi máu cơ tim vào tối 28/11, trong tình trạng ngưng thở nên bác sĩ cấp cứu và chỉ định phải mổ gấp. Anh Huỳnh Ngọc Anh được chỉ định đặt stent nong động mạch vành. Chi phí đặt stent mỗi lần lên đến 40 triệu đồng. Anh được BHYT cho trả ở mức 80% là 36 triệu đồng (cho lần đặt stent đầu). “Với mức chi phí như vậy, nếu không có BHYT, đồng lương công nhân vợ chồng không gồng gánh nổi”, chị Ngọc cho biết.

Vợ chồng anh Huỳnh Ngọc Anh tại BV Bà Rịa

Hướng đến BHYT toàn dân

BHYT là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm an sinh xã hội. BHYT mang lại công bằng về chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa bớt gánh nặng chi phí do bệnh tật. Tham gia BHYT là cách tốt nhất để mọi người giảm bớt rủi ro khi bị ốm đau, bệnh tật. Chính sách BHYT được thiết kế với rất nhiều quyền lợi dành cho người tham gia như: Trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí; Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia BHYT với các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, tham gia theo hộ gia đình, người dân tộc thiểu số, HSSV…; được KCB tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT trên toàn quốc; được lựa chọn cơ sở KCB gần địa chỉ nơi đang sinh sống để đăng ký KCB ban đầu và có thể thay đổi vào tháng đầu mỗi quý…

Theo BHXH tỉnh, 10 tháng năm 2020, tổng số lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT là 2.276.695 lượt với chi phí đề nghị thanh toán từ Qũy BHYT gần 709,4 tỷ đồng.

Ông Đặng Hồng Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, trong những năm gần đây, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi KCB đúng tuyến. “Chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; là cơ chế tài chính y tế quan trọng giúp người dân khi bị ốm đau không bị rơi vào cảnh nghèo đói. Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT, hướng tới hoàn thành mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân”, ông Đặng Hồng Tuấn nhấn mạnh.

 

 Tác giả: PV